Bình Định thành lập cụm công nghiệp mới hơn 18 ha để phục vụ di dời doanh nghiệp
UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân (phần mở rộng, gọi tắt là Dự án CCN Bùi Thị Xuân mở rộng).
Theo đó, hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2, Điều 13, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Quyết định số 2259, ngày 25/6/2024 của UBND tỉnh Bình Định về ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dự án CCN Bùi Thị Xuân mở rộng có diện tích hơn 18,3 ha, trong đó đất sản xuất công nghiệp là hơn 12,7 ha được thực hiện tại khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn. Thời gian hoàn thành trong vòng 36 tháng.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 85,32 tỷ đồng, bao gồm chi phí thực hiện là 71,82 tỷ đồng. Các hạng mục đầu tư chính của dự án bao gồm san nền; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống thu gom và xử lý nước thải; hệ thống cấp điện; cây xanh.
Theo UBND tỉnh Bình Định, ngoài việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; mục tiêu của dự án là ưu tiên và tạo quỹ đất để di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động sản xuất trong Cụm công nghiệp Quang Trung và Cụm công nghiệp Nhơn Bình (CCN) vào sản xuất tập trung tại CCN Bùi Thị Xuân mở rộng. (baodautu.vn)
2 đoàn y bác sĩ Bình Định lên đường hỗ trợ Yên Bái, Thái Nguyên
Sáng nay (13/9), Sở Y tế Bình Định đã tổ chức lễ xuất quân tiễn đoàn công tác ngành y tế tỉnh đi hỗ trợ tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên khắc phục hậu quả mưa bão.
Phát biểu tại lễ ra quân, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định ngày 11/9 về việc thành lập đoàn công tác của ngành y tế hỗ trợ tỉnh Yên Bái và Thái Nguyên, Sở Y tế Bình Định đã ngay lập tức phối hợp với các đơn vị thành lập ngay 2 đoàn công tác.
Theo đó có 67 y bác sĩ, nhân viên y tế đến từ một số bệnh viện, Trung tâm phòng chống dịch bệnh tỉnh, Trung tâm y tế một số huyện..., trạm y tế đã tình nguyện tham gia các đoàn công tác
Giám đốc Sở Y tế Bình Định cũng đề nghị các y bác sĩ tham gia đoàn công tác phát huy chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương để hoàn thành nhiệm, nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa bão số 3. (suckhoedoisong.vn)
Tây Sơn (Bình Định): Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới
Tây Sơn là một huyện trung du có xuất phát điểm tương đối thấp khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với huy động tốt nội lực và sức mạnh toàn dân, đến nay, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã gặt hái được “trái ngọt” khi vừa được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tây Sơn đã chọn phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” và chọn những tiêu chí cơ bản làm “đòn bẩy” để tạo đà thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. Cùng với sự hướng dẫn, chỉ dẫn của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội đối với việc xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy tốt nội lực và sức mạnh toàn dân nhằm giúp địa phương đẩy nhanh quá trình hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Với những nỗ lực và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, vào trung tuần tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 16/8/2024 công nhận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây là sự ghi nhận thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực và phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, là minh chứng khi “Ý Đảng lòng dân” hòa cùng nhịp đập.
Chia sẻ về bí quyết để đem đến thành công này, Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới cái cốt yếu cuối cùng là đời sống của bà con nhân dân phải có sự cải thiện về vật chất và tinh thần”.
Định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn chia sẻ: Huyện Tây Sơn về đích nông thôn mới năm 2023 và định hướng đến năm 2030 sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, Tây Sơn có đặc thù khác so với một số huyện đã về đích nông thôn mới, định hướng của Tây Sơn theo quy hoạch của tỉnh thì huyện sẽ trở thành đô thị loại IV trong năm 2025 và sẽ trở thành thị xã vào năm 2030. Do vậy, chúng tôi tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí của huyện nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí của đô thị loại IV cũng như tiêu chí để thành lập thị xã”.
“Chắc chắn, tiêu chí để thành lập thị xã sẽ cao hơn tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao, chính vì vậy, huyện sẽ kết hợp 2 mục tiêu này để tập trung, nhưng hiện nay chúng tôi quan tâm nhất là tạo ra công ăn việc làm cho bà con nhân dân”, ông Phan Chí Hùng khẳng định. (baoxaydung.com.vn)
“Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sau hơn 200 năm hình thành và phát triển, “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề, giữ nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, Làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong những niềm tự hào của người dân Cát Tường nói riêng và người dân Phù Cát nói chung. Việc Trung ương công nhận, ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”, xã Cát Tường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất của làng nghề phát triển sản xuất theo hướng liên kết tạo sản phẩm hàng hóa độc đáo, mang giá trị đặc trưng của làng nghề. Đồng thời, xây dựng, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tôn vinh các nghệ nhân, người nắm giữ di sản, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản”, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay. (baoxaydung.com.vn)
Bình Định: Kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù bến cóc”, “xe trá hình”
Ngày 13/9, thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cho biết, ngày 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện kiểm tra, xử lý "xe dù bến cóc", "xe trá hình tuyến cố định", "xe ghép, xe tiện chuyến" trên địa bàn tỉnh theo đề xuất của Sở GTVT tỉnh này.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các quy định của tỉnh về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường trong tình hình mới.
Ngoài công tác quản lý nhà nước trong chuyên môn, lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GTVT, các địa phương khảo sát, đề xuất và thực hiện lắp camera an ninh giám sát ở các điểm đón, trả khách.
Cùng với đó, Ban An toàn giao thông tỉnh rà soát, đề xuất triển khai cắm biển hướng dẫn dừng đón, trả khách trên các tuyến đường bộ theo quyết định về việc phê vị trí các điểm đón trả khách tuyến vận tải cố định mà tỉnh UBND tỉnh đã phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Phòng CSGT, công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, nhất là tình trạng "xe dù, bến cóc", "xe trá hình tuyến cố định", "xe ghép, xe tiện chuyến" trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tăng cường quản lý hoạt động vận tải và đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách tại các đơn vị kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải theo kế hoạch và đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là các trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông theo quy định; kiểm tra quy trình bảo đảm ATGT và giải quyết cho xe ra, vào bến tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh. (nguoiduatin.vn)
Bình Định: Tập trung giải quyết bất cập tại các công trình giao thông, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Ông Lưu Nhất Phong - Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định. chia sẻ, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, ban sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý từ bước lập chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư tới thiết kế bản vẽ thi công để sớm khởi công các gói thầu xây lắp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án. Trong quá trình triển khai xây dựng, Ban QLDA sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan để đẩy nhanh công tác đền bù GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm giao mặt bằng sạch phục vụ thi công xây dựng.
"Chúng tôi xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng đối với từng dự án do Ban làm chủ đầu tư, phân công cụ thể lãnh đạo Ban, lãnh đạo phòng, nhân viên theo dõi từng công trình để tăng cường trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng dự án. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện việc giải ngân vốn của từng dự án đảm bảo yêu cầu về tiến độ giải ngân với các mốc thời gian theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh" - ông Phong nói.
Ông Phong cho biết thêm, Ban QLDA sẽ lập tiến độ và kế hoạch thi công hàng tháng, hàng tuần các dự án để theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo nhà thầu thi công triển khai thực hiện. Hàng tuần, tổ chức họp giao ban tại các công trình để đánh giá tiến độ, khối lượng, chất lượng các hạng mục công trình, trường hợp tiến độ không đảm bảo theo kế hoạch, kịp thời có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công phải tập trung đầy đủ nhân lực, thiết bị theo đúng hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ điều chỉnh nhân lực, thiết bị được cơ quan thẩm quyền cho phép theo quy định để đẩy nhanh công tác thi công xây dựng đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án đồng thời yêu cầu nhà thầu lập hồ sơ thanh toán để thực hiện giải ngân ngay khi có khối lượng.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án do Ban QLDA giao thông tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công; chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án. (thoibaotaichinhvietnam.vn)
Bụi bẩn bủa vây cư dân dọc Quốc lộ 19
Hàng nghìn xe tải chở đất cát, vật liệu xây dựng nối đuôi, xoay vòng mỗi ngày trên Quốc lộ 19, đoạn qua An Nhơn, Tây Sơn (Bình Định) đã nhấn chìm cư dân ven đường trong những “trận đồ bụi bặm”.
Phía trước Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) là đại công trường. Đây là một trong những nút giao thông quan trọng của dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Bình Định.
Cầu vượt Quốc lộ 19 đang rầm rộ thi công; việc qua lại hai chiều tạm chuyển sang đoạn cấp phối liền kề. Khung cảnh ấy cộng với lượng phương tiện liên tục vào ra khu công nghiệp đã biến nơi đây thành địa chỉ đặc biệt náo động với tiếng động cơ chát chúa, với những quầng bụi cuồn cuộn, mịt mù.
Nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài. Một số còn cẩn thận hơn, căng ngang cửa gỗ, cửa sắt lớp phòng vệ bằng vải hoặc nilon. Không phải ai cũng có thể im ỉm đóng cửa suốt ngày. (laodong.vn)