Bình Định phê duyệt hai cụm công nghiệp thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngày 21-9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết tỉnh sẽ thành lập thêm hai cụm công nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh và thành phố Quy Nhơn.
Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp Tà Súc (giai đoạn 3) tại thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh với toàn bộ diện tích đất được quy hoạch 35 hecta với tổng mức đầu tư gần 188 tỉ đồng. Trong số đó, chi phí thực hiện dự án là 133 tỉ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là gần 55 tỉ đồng.
Dự án thứ hai là xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân (phần mở rộng) trên địa bàn thành phố Quy Nhơn với tổng mức đầu tư hơn 85 tỉ đồng.
Dự án này được thực hiện tại khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn có tổng diện tích hơn 18 hecta, với tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 85 tỉ đồng, trong đó chi phí thực hiện là gần 72 tỉ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 13,5 tỉ đồng. (thesaigontimes.vn)
2 nhà máy sản xuất viên nén và dăm gỗ vừa đi vào hoạt động tại Bình Định có quy mô ra sao?
Mới đây, tại Cụm công nghiệp Nhơn Tân 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy sản xuất viên nén và nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu.
Được biết, 2 dự án nhà máy sản xuất viên nén và dăm gỗ xuất khẩu do Công ty CP Năng lượng xanh Nhơn Tân làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng.
Trong đó, nhà máy sản xuất viên nén Nhơn Tân có quy mô xây dựng 4,6ha với tổng mức đầu tư 660 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu có quy mô 1ha với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.
Các nhà máy này đi vào hoạt động dự kiến sẽ thu hút khoảng 320 người lao động, tổng doanh hằng năm khoảng 2.100 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, dự án nhà máy sản xuất viên nén và nhà máy sản xuất dăm gỗ là 1 trong 12 dự án trọng điểm của 64 dự án đi vào hoạt động năm 2024.
Đây là dự án động lực, định hướng xuất khẩu có quy mô lớn, bảo đảm việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến trên cơ sở công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tự động hóa.
Qua đó, dự án góp phần cùng ngành gỗ cán mốc 1 tỷ USD năm 2024, phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và định hướng phát triển công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (thanhnienviet.vn)
Khuyến khích và bảo vệ thanh niên dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo
Sáng 21.9, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh Bình Định khóa 8 (nhiệm kỳ 2024 - 2029) tiến hành phiên trọng thể.
Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN; ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, tham dự và phát biểu chỉ đạo tại đại hội.
Theo anh Nguyễn Tường Lâm, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích và bảo vệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận, dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo là việc làm cần được các cấp bộ Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh Bình Định quan tâm triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ.
Ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh tập trung vào việc giáo dục và định hướng cho thanh niên, xây dựng thế hệ thanh niên có tâm, có trí và hoài bão lớn. Đồng thời, cần khuyến khích thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, rèn luyện bản thân, sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm quan trọng trong thời đại mới. Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh Bình Định cần tạo điều kiện cho thanh niên trải nghiệm, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm.
"Hội cần tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi", công tác hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp và phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi. Đồng thời, cần định hướng nghề nghiệp cho thanh niên và tạo điều kiện để họ làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Thanh niên cần tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiên phong trong công tác chuyển đổi số và thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện, an sinh vì cộng đồng", ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
Dịp này, anh Nguyễn Tường Lâm thay mặt Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN trao Cờ đơn vị xuất sắc 5 năm liền trong công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2019 - 2024 cho Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh Bình Định. (thanhnien.vn)
Bình Định đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc – Nam
Ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, đã đến kiểm tra tiến độ thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hiện đang được các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ. Tại gói thầu XL3 từ Km 57+800 đến Km 88, do Tập đoàn Đèo Cả và Công ty CP Trường Long thi công, sản lượng đã đạt 38% giá trị hợp đồng, phù hợp với tiến độ được đề ra. Tuy nhiên, việc thi công đang gặp nhiều khó khăn do bước vào mùa mưa, cùng với sự thiếu hụt nguồn vật liệu đá đạt tiêu chuẩn để thi công đường. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất việc xem xét nâng công suất khai thác đá, đồng thời yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo chất lượng thi công để tránh các sự cố về hạ tầng trong tương lai.
Một trong những thách thức lớn của dự án là vấn đề mặt bằng. Tại gói thầu 11-XL thuộc dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tiến độ bị chậm do vướng mắc về mặt bằng tại một số khu vực chưa được giải tỏa. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị liên quan phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục để ngay khi có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, sẽ tiến hành thi công ngay lập tức để bù lại tiến độ bị chậm. (voh.com.vn)
Bình Định: Tuyên truyền, giáo dục tài chính cho sinh viên
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Chuyển đổi số ngành Ngân hàng Bình Định năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, sáng ngày 22/9/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Định tổ chức Chương trình tuyên truyền hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 với sự tham gia của hơn 400 bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Quy Nhơn.
Tại chương trình, đại diện các đơn vị là các chi nhánh Ngân hàng TMCP: Á Châu, Sài Gòn Thương Tín, Quân đội đã triển khai tuyên truyền về các hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng; vai trò, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã triển khai tuyên truyền các nội dung về: Đề án 06, các điểm mới của Luật Căn cước 2023 và ứng dụng VNeID... đến các bạn sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn.
Chương trình tuyên truyền hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 không những góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn về chuyển đổi số, đồng thời tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện đại, giúp các bạn nâng cao năng lực, sự tự tin, sẵn sàng thích ứng và chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số hiện nay. (thoibaonganhang.vn)
Xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả thông qua tổ chức các hội thi
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tỉnh Bình Định đã và đang bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chủ động, tự tìm hiểu pháp luật, vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả được quan tâm thực hiện qua tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức trực tuyến hoặc sân khấu hóa (các ngành, đoàn thể, địa phương); mô hình các câu lạc bộ PBGDPL (các huyện, thị xã, thành phố); các diễn đàn tuyên truyền pháp luật (các cấp bộ Đoàn); “Cổng trường học an toàn giao thông” (các nhà trường); các mô hình “Bóng điện ngoài hè – số điện thoại liền kề”, “Nói không với đạo lạ”, “Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương” (Hội Nông dân tỉnh); Ngày hội “Thanh niên với Văn hóa giao thông” (Tỉnh đoàn).
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tổ chức 3.268 cuộc PBGDPL trực tiếp; 203 cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức trực tuyến hoặc sân khấu hóa; biên soạn, phát hành hơn 112.060 bản tài liệu PBGDPL.
Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm về số lượng; tiêu chuẩn đạo đức, trình độ học vấn, có năng lực, kiến thức chuyên môn, có trách nhiệm với công việc. Đặc biệt, có những báo cáo viên pháp luật có bề dày kinh nghiệm, đã trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo quản lý, công tác ở nhiều lĩnh vực nên am hiểu về kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội để thực hiện công tác PBGDPL.
Kỹ năng của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật ngày một hoàn thiện thông qua các hoạt động: Biên soạn bài giảng, phổ biến chuyên đề pháp luật; thiết kế, tổ chức các trò chơi tìm hiểu pháp luật… Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được chuyển tải sinh động đến người dân. (daibieunhandan.vn)
Bình Định: Tránh tình trạng giảm nghèo chỉ bằng nghị quyết, kế hoạch
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, vấn đề lớn nhất trong giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là giải quyết việc làm và nâng thu nhập của người dân. Các sở, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cộng đồng, sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Đặc biệt, phải rà soát chặt chẽ từng vấn đề của từng hộ ở từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Các huyện miền núi đang tập trung giao đất cho hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế.
Tỉnh Bình Định hiện còn 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu do các hộ không có đất, vốn, công cụ, phương tiện sản xuất, thiếu lao động và kiến thức về sản xuất. Tỉnh Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,13%, giảm 2% so với năm 2023, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo dưới 6% và huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cùng các huyện, thị xã, thành phố phải có giải pháp cụ thể trong giảm nghèo bền vững. Người dân thiếu sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2024 chưa cấp được thì phải quy hoạch, tạo quỹ đất. Những hộ nghèo đã cải thiện được một số tiêu chí, tiếp cận dịch vụ xã hội nhưng tiêu chí thu nhập chưa cải thiện được thì cần đưa từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo.
Theo ông Lê Kim Toàn, muốn nâng tiêu chí thu nhập cho các hộ nghèo thì các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ về đất đai, vốn, kiến thức, làm nhiều năm và thông qua các chương trình.
"Triển khai công tác giảm nghèo bằng xây dựng kế hoạch, bằng ra nghị quyết thì mãi mãi vẫn nghèo. Không giảm nghèo chỉ duy nhất bằng nghị quyết và kế hoạch. Cần rà soát, kiểm tra lại chứ không thì mình sẽ hô khẩu hiệu từ trên xuống dưới, còn người nghèo vẫn cứ là nghèo. Phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh phải thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, đó mới là hợp lý", ông Lê Kim Toàn khẳng định. (danviet.vn)
Ngư dân Bình Định "đau đầu" vì quy định chỉ được phép khai thác cá ngừ vằn dài từ 50cm trở lên
Dù đang vào vụ chính khai thác cá ngừ vằn nhưng hàng chục tàu cá hành nghề lưới vây của ngư dân Bình Định lại lâm cảnh nằm bờ, vì quy định chỉ khai thác cá có chiều dài trên 50cm, khiến ngư dân "đau đầu". Vì theo ngư dân, cá ngừ kích cỡ đạt từ 50cm trở lên, ở ngư trường giờ rất hiếm.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, toàn tỉnh này có 6.242 tàu cá được đăng ký với hơn 40.000 lao động tham gia khai thác thủy sản, trong đó nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ có khoảng 650 tàu cá với hơn 7.500 lao động.
Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh này hàng năm đạt trên 270.000 tấn, trong đó sản lượng cá ngừ các loại đạt trên 55.000 tấn (cá ngừ đại dương khoảng 12.000 tấn/năm).
Trong đó, tổng sản lượng cá ngừ vằn khai thác hàng năm, loại có chiều dài từ 50cm trở lên chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại chủ yếu có chiều dài 30-40cm.
Qua thống kê, có rất nhiều tàu cá khai thác ngừ chưa vươn khơi, điều này đồng nghĩa với nhiều lao động không có việc làm, không có thu nhập, nếu tình trạng này kéo dài.
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, thừa nhận với quy định cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 50cm mới được phép khai thác nên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã dừng thu mua cá ngừ vằn, có chiều dài dưới 50cm.
Vì vậy, nhiều tàu cá hành nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ vì sợ lỗ, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của bà con ngư dân. Nhiều ngư dân đã có kiến nghị nhà nước xem xét về quy định này. (danviet.vn)
Bình Định có 90 điểm nguy cơ sạt lở khi vào mùa mưa
Ngày 23.9, UBND tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh hiện có 90 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó 15 điểm nguy cơ sạt lở cao.
Theo đó, các vùng núi và ven sông ở Bình Định luôn là những "điểm nóng" có thể gây sạt lở đất đá nghiêm trọng. Những địa phương như H.Hoài Ân, H.An Lão, H.Vĩnh Thạnh, hay một số khu vực cao ở TP.Quy Nhơn và H.Phù Cát có nhiều điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở và phải được giám sát đặc biệt.
Để đối phó với nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xây dựng phương án di dời dân khi có tình huống khẩn cấp. Cụ thể, các địa phương đã xây dựng phương án sơ tán dân tại chỗ; lập danh sách các điểm kiên cố để di dời dân đến trú khi có thiên tai xảy ra, chủ yếu là trường học, trụ sở thôn, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở tôn giáo. Toàn tỉnh Bình Định có 159 hội trường cấp xã, 159 trạm y tế cấp xã, 848 nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cấp xã, thôn; 573 trường học các cấp và 12 nhà trú, tránh bão, mưa lũ, sẵn sàng để di dời dân đến khi có thiên tai. (thanhnien.vn)
Bình Định: Xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Ban An toàn giao thông tỉnh; Sở Giao thông vận tải; Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các Quyết định của UBND thành phố và Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương đảng về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Trong đó, giao Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các địa phương và các đơn vị liên quan khảo sát, đề xuất lắp đặt Camera giám sát giao thông, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường, khu vực có tình hình vi phạm trật tự ATGT, phương tiện dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách tại các đơn vị kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải theo kế hoạch và đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, xe đón trả khách không đúng nơi quy định, xe chạy tuyến cố định không vào bến, xe hợp đồng, xe du lịch trá hình chạy tuyến cố định…/. (thanhtravietnam.vn)