Tập đoàn của Singapore đầu tư nhà máy cà phê hơn 80 triệu USD ở Bình Định
Chiều 17/9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định.
Tại buổi lễ, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án trên cho ông Tan Wang Cheow, Chủ tịch Tập đoàn Food Empire Holdings (Singapore).
Dự án nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định (thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định) do Công ty Future Enterprises Pte. Ltd (thuộc Tập đoàn Food Empire Holdings) làm chủ đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định kỳ vọng dự án khi đi vào hoạt động, không chỉ hứa hẹn mang lại những sản phẩm công nghiệp mới mà còn là động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu của ngành công nghiệp tỉnh Bình Định, mở ra những làn sóng đầu tư mới, tạo nhiều cơ hội việc làm và đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của tỉnh. (dantri.com.vn)
Khu kinh tế Nhơn Hội tập trung phát triển công nghiệp sạch
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg, ngày 14/12/2023 có nhiều định hướng mới, tác động đến quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội.
Với tình hình hiện nay, yêu cầu đặt ra là cần rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội để phù hợp với quá trình phát triển của khu kinh tế, phù hợp với quy hoạch tỉnh Bình Định được phê duyệt; phục vụ việc triển khai các dự án đầu tư, cũng như công tác thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Điều chỉnh quy hoạch chung sẽ giảm bớt diện tích công nghiệp; chủ yếu còn công nghiệp sạch, công nghiệp xanh hoặc sẽ chuyển hướng thương mại, dịch vụ.
Về định hướng, công nghiệp sẽ tập trung về Khu công nghiệp Becamex. Với các khu công nghiệp còn lại, sẽ được quy hoạch lại theo hướng, khu nào là dịch vụ, khu nào đô thị, khu nào giữ lại công nghiệp và với mức độ bao nhiêu.
Riêng đối với Khu công nghiệp Nhơn Hội - Khu B (theo quy hoạch tỉnh Bình Định, toàn bộ diện tích 451,86 ha sẽ chuyển sang đất đô thị dịch vụ), Ban Quản lý khẳng định, chủ đầu tư vẫn được phép thực hiện hết chu kỳ theo giấy chứng nhận đầu tư. Sau đó, Ban Quản lý sẽ tiến hành thu hồi, bồi thường và làm đề án chuyển đổi. (baodautu.vn)
Phù Mỹ chuyển giao kỹ thuật trồng hành củ chuẩn VietGAP giúp nông dân tăng thu nhập
Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cây hành lấy củ, góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện mô hình sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP (năm thứ 2) thuộc Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025 cho 18 hộ hội viên nông dân tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.
Ông Nguyễn Kim Trắc, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ cho biết: “Trước đây vùng đất tại thôn Chánh Trạch 2 sản xuất chủ yếu là cây lúa, hiệu quả kinh tế rất thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa – hành hoặc lúa - dưa – hành mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Mô hình triển khai thành công sẽ góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất của bà con trong việc bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn môi trường xanh - sạch. Thời gian tới, UBND xã có kế hoạch từng bước nâng cao chất lượng, xây dựng thành sản phẩm OCOP “Hành Mỹ Thọ”, đồng thời nhân rộng mô hình trên địa bàn xã”.
Theo đánh giá ban đầu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, hiệu quả mô hình sản xuất hành theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Thọ không chỉ tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ mà còn gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, phục vụ truy xuất nguồn gốc.
“Thực tế triển khai cho thấy, cây hành khá phù hợp với trình độ canh tác của bà con trên địa bàn huyện Phù Mỹ và thích ứng tốt với điều kiện thời tiết. Giá hành hương tuy chưa ổn định nhưng kết quả đạt được rất khả quan, đem lại năng suất và lợi nhuận cao cho người dân. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực thông tin tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân” - ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định nhận xét. (tapchinongthonmoi.vn)
Bình Định chạy đua gỡ 'thẻ vàng' IUU, xử nghiêm tàu vi phạm
Dự kiến trong tháng 10/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về quy định chống đánh bắt hải sản. Thời gian qua, tỉnh Bình Định liên tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các tồn tại trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại các địa phương ven biển.
Từ đầu năm đến tháng 7/2024, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản đối với 44 trường hợp với số tiền 686,5 triệu đồng; trong đó, xử phạt đối với hành vi mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển là 19 trường hợp với số tiền 470 triệu đồng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, địa phương đang tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp mạnh để chống khai thác IUU. Trong đó, về công tác quản lý đội tàu, ông Thanh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương hướng dẫn đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo 100% tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản phải được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.
Tại cuộc họp triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Tỉnh ủy Bình Định tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban cán sự UBND tỉnh và các sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để chống khai thác IUU, đặc biệt là phải tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng ngư dân đưa tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, thủy sản phối hợp với chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm như huyện Phù Cát, Phù Mỹ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa ngư dân vi phạm khai thác IUU. UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối các đơn vị củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU từ năm 2023 đến nay. Khẩn trương xác minh nguồn kinh tế, thu nhập, tài sản đối với các trường hợp cố tình không thi hành quyết định xử phạt theo quy định để có biện pháp chế tài cưỡng chế… (vietnamnet.vn)
Bình Định: Trong 48 giờ tới không còn tàu cá nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay, hiện Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các địa phương ven biển đã liên lạc với gia đình chủ tàu cá thông báo tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Hiện các chủ tàu đã nhận được thông tin và đang di chuyển ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Toàn tỉnh Bình Định có 6.239 tàu cá với tổng số 43.678 lao động, trong đó có 5.541 tàu cá với 39.527 lao động hoạt động ở khu vực gần bờ và neo đậu tại bến; số còn lại hoạt động ở vùng biển ngoài khơi từ vùng biển Tp. Hải Phòng tới Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên đất liền, UBND tỉnh Bình Định đã có công điện yêu cầu các đơn vị, sở ngành và các địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới. (nguoiduatin.vn)
Bình Định lên phương án sơ tán dân nếu áp thấp phức tạp
Ngày 18.9, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định đã phát đi dự báo về tin áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khẩn cấp.
Trước đó, vào chiều 17.9, Văn phòng Thường trực về Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định - cho biết, còn 7 tàu cá của ngư dân Bình Định đang trong vùng ảnh hưởng của ATNĐ, cách tâm ATNĐ khoảng 320km.
Phía Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT Bình Định), Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các địa phương đã liên lạc với gia đình chủ tàu thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm được tình hình của ATNĐ. Hiện các tàu cá đang di chuyển ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của ATNĐ.
Cùng ngày 17.9, tỉnh Bình Định đã ban hành Công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chuẩn bị công tác ứng phó với ATNĐ trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định - cho biết, đến nay, các địa phương đã có phương án xác định cụ thể những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai đối với bão, ATNĐ, nước biển dâng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở...
Theo thống kê, toàn tỉnh có 403.460 hộ gia đình với 1.478.043 nhân khẩu được rà soát, cập nhật trên phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định. Trong đó có 281.465 người dễ bị tổn thương cần được quan tâm, hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra.
Các địa phương cũng đã xác định được số hộ dân, người dân cần phải sơ tán; địa điểm sơ tán đến, hậu cần nơi đến sơ tán, phương tiện và nhân lực triển khai ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời đã chuẩn bị sẵn phương án sơ tán dân đối với từng cấp độ rủi ro của bão, lũ.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 159 xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng bởi gió bão; 25 xã, phường của 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển bị ảnh hưởng do nước biển dâng; 119 xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt.
Đặc biệt, có 15 khu vực nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, huyện Hoài Ân 4 khu vực, huyện An Lão 3 khu vực, huyện Vĩnh Thạnh 2 khu vực, TP Quy Nhơn 2 khu vực và huyện Phù Cát 4 khu vực. (laodong.vn)
Hơn 280.000 người dân Bình Định cần hỗ trợ khi có thiên tai
Qua rà soát, tỉnh Bình Định có trên 403.000 hộ dân với hơn 1,4 triệu người, trong đó có trên 281.000 người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, cần được hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra.
Theo tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, từ tháng 9 đến tháng 11, tỉnh này có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
Dự báo, tháng 9-11, tổng lượng mưa khu vực Bình Định phổ biến cao hơn 10-30% so với nhiều năm; tháng 12 phổ biến 180-280mm, vùng núi phía bắc là 400mm; mực nước các sông sẽ dao động mạnh, khả năng xuất hiện 3-5 trận lũ với đỉnh lũ đạt mức báo động 2-3, có nơi vượt báo động 3; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, đến nay các địa phương trong tỉnh đã có phương án xác định cụ thể những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai đối với bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất…
Các địa phương cũng xác định số hộ dân, người dân cần phải sơ tán; địa điểm sơ tán đến, hậu cần nơi đến sơ tán, phương tiện và nhân lực triển khai ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình trên đất liền, tỉnh Bình Định đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phương tiện đánh bắt trên biển.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết khi có thông báo về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, các lực lượng sẽ ngay lập tức thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng để ngư dân chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về các cảng gần nhất.
"Chúng tôi yêu cầu đơn vị quản lý các khu neo đậu tàu cá phải trực 24/24h để theo dõi thời tiết, tình hình tàu thuyền trên biển. Các địa phương cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan để thông báo kịp thời, đảm bảo an toàn cho ngư dân. Ngoài ra, vấn đề neo đậu an toàn cho các tàu hàng tại Cảng Quy Nhơn cũng được chú trọng", ông Phúc nhấn mạnh. (dantri.com.vn)
Bình Định cần sớm tái định cư cho người dân khu vực sạt lở sông Kôn
Tình trạng sạt lở bờ sông Kôn, đoạn qua khu phố Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định) diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của 18 hộ dân với 56 nhân khẩu. UBND tỉnh Bình Định đã thông qua chủ trương lập quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho người dân với diện tích 1,2ha. Đồng thời, thị xã An Nhơn cũng khẩn trương cân đối nguồn ngân sách để triển khai thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất. (vnanet.vn)