Bình Định thêm cụm công nghiệp mới rộng gần 40 ha được thành lập
UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tà Súc (giai đoạn 3, gọi tắt là CCN Tà Súc giai đoạn 3).
Dự án CCN Tà Súc giai đoạn 3 có diện tích sử dụng đất là 35 ha, được thực hiện tại thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh. Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 24 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được công nhận làm chủ đầu tư dự án.
UBND tỉnh Bình Định cho biết, mục tiêu của dự án là tạo quỹ đất để di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đang hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh để đưa vào sản xuất tập trung; thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, xây dựng và bảo vệ môi trường…
CCN Tà Súc tại xã Vĩnh Quang được quy hoạch với diện tích 40 ha. Trong đó, CCN Tà Súc giai đoạn 1 rộng 19,7 ha hiện đang do Công ty cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước làm chủ đầu tư; CCN Tà Súc giai đoạn 2 rộng 16,04 ha do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Thạnh làm chủ đầu tư. (baodautu.vn)
Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định hỗ trợ 100 triệu đồng cho 2 gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại huyện Chi Lăng
Chia sẻ với những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện Chi Lăng, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã đến thăm, động viên, hỗ trợ gia đình anh Vi Văn Thương, tại thôn Suối Cái và gia đình anh Nguyễn Văn Doanh, thôn Củ Na, xã Quan Sơn bị sập đổ nhà, mỗi gia đình 50 triệu đồng; huyện Chi Lăng hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng.
Tại các gia đình, các đồng chí lãnh đạo hai huyện đã ân cần hỏi thăm, chia sẻ với những khó khăn của các gia đình, mong muốn các gia đình sớm tìm được nơi ở mới an toàn để xây dựng lại nhà cửa, nhanh chóng ổn định lại đời sống.
Chuyến thăm, động viên, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 của cấp ủy, chính quyền huyện Hoài Ân tại huyện Chi Lăng góp phần tô thắm mối quan hệ đoàn kết, kết nghĩa giữa hai đơn vị. (baolangson.vn)
Bình Định đảm bảo công trình trọng điểm vượt lũ an toàn trong mùa mưa bão
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, chủ đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn triển khai phương án ứng phó với thiên tai, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo công trình vượt lũ an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Dự án đường ven biển Bình Định, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân có tổng chiều dài toàn tuyến 13,5 km, đi qua hai huyện Phù Cát và Tuy Phước. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thuận Đức được Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh giao thi công khoảng 1 km trên tuyến. Để ứng phó với mưa lũ, theo yêu cầu của chủ đầu tư, công ty đang khơi thông cửa mương tạo dòng chảy tại 3 vị trí. Đến nay đã hoàn thiện được 2 vị trí, vị trí còn lại dự kiến xong trong ngày 19/9. Công ty đã bố trí 2 máy đào, 4 ô tô, 10 nhân công trực chiến tại hiện trường để ứng phó khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định thông tin, Ban tập trung chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công hoàn thành công tác đắp đất nền đường, các hạng mục công trình thoát nước, các mố cầu đối với vị trí đã đủ điều kiện dỡ tải. Riêng các vị trí đường công vụ, cầu tạm tập kết thiết bị sẵn sàng đào toàn bộ theo kế hoạch ứng phó mưa lũ.
Cũng theo ông Phong, hiện nay, các nhà thầu đã hoàn thành đắp đất gia tải nền đường và chờ lún. Ban cũng yêu cầu nhà thầu điều chuyển thiết bị, phương tiện lên vị trí cao, tập trung gia cố bờ sông, cầu tạm để đảm bảo thoát lũ thuận lợi. Ban phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có dự án đi qua kiểm tra, rà soát thực tế hiện trường đào những vị trí thiết kế thoát nước trên nền đường chính, chậm nhất trước ngày 30/9 sẽ hoàn tất công tác này.
UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo an toàn công trình, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. (baotintuc.vn)
Ngư dân Bình Định giải thoát hàng loạt con động vật biển quý hiếm mắc kẹt lưới đánh cá
Theo Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, vào các tháng 3,7,8 - có 3 ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) khi đi khai thác thủy sản trên biển gặp phải rùa biển bị vướng lưới, dính câu, đã cứu hộ và thả về đại dương 3 cá thể rùa biển (1 vích, 1 đồi mồi và 1 đồi mồi dứa).
Ba ngư dân nêu trên đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tặng giấy khen vì đã có thành tích trong công tác bảo vệ và bảo tồn rùa biển, góp phần bảo tồn động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn của Việt Nam.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng quyết định tặng giấy khen cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải và xã Nhơn Châu vì thành tích nêu trên.
Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương trực tiếp theo dõi, giám sát và bảo vệ bãi đẻ rùa biển. Đa số các ổ trứng rùa được đẻ gần sát mép nước dễ bị triều cuốn khi sóng lớn nên được di dời đến nơi an toàn. Đến nay, hàng trăm con rùa chào đời được hỗ trợ, bảo vệ để về biển. (danviet.vn)
Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế
Ngày 19.9, Bệnh viện Bình Định (đường Phạm Ngọc Thạch, TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) về việc phối hợp triển khai sáng kiến "Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế".
Theo đó, hai bên sẽ thí điểm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, bao gồm hoạt động rà soát công tác quản lý chất thải nhựa tại bệnh viện, thực hiện các buổi tập huấn và hoạt động truyền thông.
Sáng kiến này nhằm giảm thiểu và quản lý bền vững chất thải nhựa y tế thông qua việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn với cách tiếp cận tác động tập thể, từ đó giảm phát sinh chất thải nhựa y tế, đồng thời tăng tỷ lệ chất thải nhựa y tế được tái chế, tái sử dụng tại bệnh viện.
Bệnh viện Bình Định vinh dự là bệnh viện tư nhân đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây nguyên tham gia thí điểm mô hình của sáng kiến thuộc dự án "Giảm thiểu ô nhiễm" do Bộ TN-MT là đơn vị chủ quản với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thông qua Tổ chức Winrock International. (thanhnien.vn)
Đua tiến độ cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn trước mùa mưa bão
Các nhà thầu thi công cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn đang dồn lực chạy đua tiến độ các hạng mục chính và chủ động triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ công trình trước mùa mưa lũ. Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc với hàng trăm công nhân khẩn trương thi công các hạng mục, Ông Mai Huy Cử, Phó giám đốc điều hành của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc cho biết song song với việc khẩn trương thi công để bù tiến độ trước mùa mưa, đơn vị cũng đã lên kế hoạch đảm bảo an toàn khi bão lũ đến.
"Ban chỉ huy ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn trên công trường sẽ được thành lập. Trong đó, xác định 100% cán bộ, công nhân sẽ ứng trực trên công trường suốt những ngày xảy ra lụt, bão.
Hiện, phần đắp nền đường K98 của đơn vị đã hoàn thành nên việc bảo vệ phần mái ta luy rất quan trọng. Đơn vị đang tích cực làm các tấm lát và vuốt mái để gieo cỏ nhằm bảo vệ mái taluy. Hàng chục máy đào cần dài cũng đã được huy động, sẵn sàng khơi thông các dòng chảy khi lũ đến để bảo vệ khối lượng đã thực hiện", ông Cử nói.
Theo Ban QLDA 85 (Bộ GTVT), trên toàn dự án cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, các nhà thầu đang huy động 103 mũi thi công với 637 đầu thiết bị và 1.355 nhân sự. Lũy kế sản lượng đến nay đạt hơn 3.900 tỷ đồng, tương đương hơn 51% giá trị hợp đồng, nhanh 0,24% so với tiến độ được duyệt.
Ứng phó với mưa lũ đang đến gần, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu nhà thầu triển khai nhiều giải pháp, khẩn trương thi công nhằm đẩy nhanh các hạng mục quan trọng, bù vào thời gian không thi công được do mưa bão, nhất là các cầu, cống trên tuyến để đảm bảo dòng chảy thông suốt", đại diện Ban QLDA 85 thông tin. (baogiaothong.vn)
Cần xử lý "điểm nghẽn" di dời hạ tầng, chuyển đổi đất rừng để thi công cao tốc
Những ngày này, tại gói thầu XL11, dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, hàng trăm công nhân thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng tăng tốc thi công dự án. Nhà thầu đã bố trí nhiều phương tiện, nhân lực thực hiện dự án nhưng mặt bằng còn vướng dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án này, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đảm nhận thi công 23,5km nhưng nhà thầu mới được bàn giao mặt bằng hơn 21km. Hơn 2,4km đoạn rừng tự nhiên ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân và xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng (điều chỉnh) đã ảnh hưởng tiến độ thi công.
Thiếu tá Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 5, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, nếu không sớm chuyển đổi được đất rừng tự nhiên và giải phóng mặt bằng tại khu vực rừng đang vướng thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. (vov.vn)
Bình Định: "Nếu đi chống bão lũ, mà ai cũng xin phép về nhà vì vợ con đau ốm, thì rất khó"
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định vừa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Qua cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh phía Bắc, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm không chủ quan trong triển khai thực hiện phòng, chống thiên tai.
"Các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Chủ động di dời, xử lý những điểm có nguy cơ mất an toàn, chuẩn bị kỹ các phương án phòng, chống thiên tai thực tế từng địa phương, không để bão vào mới bị động di dời.", ông Tuấn cho biết và yêu cầu thực hiện nghiêm túc phương án "4 tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng quân đội, công an trong phòng chống thiên tai và yêu cầu các lực lượng này chủ động đảm bảo nhân lực, phương tiện, kết nối với các địa phương để sẵn sàng tham gia hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ kịp thời.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo thông tin liên lạc, chỉ đạo phòng chống thiên tai thông suốt kịp thời. Ngay sau khi thiên tai đi qua, các sở, ngành địa phương chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. (danviet.vn)